Làm sao để phát triển kinh nghiệm về technical?

Facebook
Twitter
LinkedIn
Khóa học Product Management Phát triển sản phẩm Product Owner Product Manager

Bài viết hôm nay xuất phát từ việc có một bạn hỏi mình:

Phải học gì hoặc cần có những hiểu biết ở lĩnh vực gì để làm nghề product?

Mình nhớ lại hồi xưa khi mới chập chững ở những ngày đầu, mình từng nghĩ để làm product chỉ cần biết phân tích yêu cầu đầu vào rồi liệt kê ra tính năng cần có của sản phẩm, sau đó vẽ wireframe rồi đưa cho design team, rồi chuyển tiếp tới technical team để code v.v… và thế là xong.

Sau này, càng trải qua nhiều dự án mà khó khăn cũng có, vấp ngã cũng nhiều, mình dần xây dựng được ý niệm rõ ràng hơn và có hình dung bao quát hơn về những gì một người cần có để trở thành một người làm product đủ giỏi. Theo đó, một Product Specialist/ Product Owner/ Product Manager sẽ cần có kinh nghiệm toàn diện lẫn chuyên sâu (với mức độ khác nhau) ở nhiều mảng – gắn liền với từng giai đoạn để xây dựng nên một sản phẩm cuối cùng.

Để dễ hiểu, mình chia ra những kỹ năng cần có ra làm 02 nhóm kỹ năng:

Nhóm 1 – Kỹ năng nền (điều kiện cần): bao gồm những kiến thức giao thoa ở nhiều lĩnh vực, trong đó có technical, design, business analyst, project management, marketing, và kể cả những kiến thức liên quan đến user behavior, psychology…

Nhóm 2 – Kỹ năng đặc biệt dựa trên yêu cầu thực tế (điều kiện đủ): là những kiến thức đặc thù theo ngành của dự án hoặc sản phẩm hay còn gọi là domain knowledge. Chẳng hạn như làm sản phẩm cho ngân hàng thì cần có kiến thức nhất định về tài chính ngân hàng, làm sản phẩm giải trí cho giới trẻ thì cần có cảm quan nhanh nhạy, độ hiểu biết nhất định về đặc thù của thế hệ trẻ hiện nay cũng như những xu hướng mà họ thường cập nhật và quan tâm v.v…

Tiếp tục quay trở lại với câu hỏi mà mình nhận được. Sau khi mình giải thích sơ giống như những gì mình đã nói phía trên, thì bạn có một băn khoăn đặc biệt về technical knowledge.

Cụ thể là: để trở thành một người làm product, trước hết mình phải là một developer và biết code?

Câu trả lời của mình là, không nhất thiết.

Nếu bạn là một người làm product đi lên từ developer, sau đó chuyển sang làm product, điều đó cũng tốt. Bạn sẽ có lợi thế hơn khi làm việc cùng team tech. Và vì bạn có những am hiểu nhất định về tech, nên có thể nói khi cộng tác cùng developer, các bạn sẽ dễ có sự hòa hợp, dễ hiểu nhau hơn. Đồng thời, kinh nghiệm về technical cũng sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm, mà cụ thể là giúp bạn biết được khả năng cũng như giới hạn mà kỹ thuật có thể đáp ứng cho một yêu cầu hoặc tính năng nào đó.

Tuy nhiên, nếu bạn là một người làm product không đi lên từ một developer – điều ấy cũng không sao cả. Như mình đã nói phía trên, điều làm nên một người product giỏi không chỉ đến từ kinh nghiệm về technical. Xây dựng sản phẩm đòi hỏi nhiều hơn là chỉ kinh nghiệm về tech. Với nghề product, điều gì chưa biết, bạn có thể học. Điều quan trọng nhất mà mình luôn tâm niệm, đó là bạn có thực sự muốn học, muốn thay đổi và chịu cực một chút để theo đuổi thứ mà bạn đam mê hay không thôi.

Trong bài viết hôm nay, mình sẽ chia sẻ không gì khác ngoài những cách mà mình đã tự học, tự phát triển kinh nghiệm về tech. Đọc tới đây thì chắc hẳn bạn cũng đã đoán được 🙂 …

Đúng, mình chính là một người làm product không đi lên từ developer/ coder. Mình không biết code nhưng mình chưa bao giờ xấu hổ hay mất tự tin về điều đó. Bởi mình hiểu rằng:

  • Biết code là một lợi thế, nhưng đó không phải là điều tối quan trọng nếu bạn muốn trở thành một Product Owner/ Product Manager.
  • Kiến thức technical mà bạn cần, không phải là code như thế nào, mà là hiểu bản chất của kỹ thuật, hiểu cách mà nó được ứng dụng vào để xây dựng sản phẩm, hiểu phương pháp mà bạn sẽ dùng để đáp ứng những yêu cầu mà sản phẩm đề ra.
  • Học và hiểu về technical chính là để hiểu phạm vi và khả năng của nó, hiểu về những kết quả khả thi mà nó có thể mang lại, hiểu để tận dụng và khai thác tối đa sức mạnh mà nó sẽ đem đến cho sản phẩm của bạn, giúp sản phẩm tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn.

Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho những bạn giống mình, nhưng vẫn yêu thích và muốn đi theo nghề này. Sau đây là những phương pháp của mình.

1- Cố gắng đọc và hiểu những khái niệm cơ bản.

Đọc để có “feeling”, để khi người ta nói chuyện ít nhất mình hiểu người ta đang nói về cái gì, để biết chỗ họ đang nói nằm ở đâu.

Ví dụ với mình thì:

  • Học các kiến thức cơ bản về HTML
    • Cách xem inspect, chỗ nào là HTML chỗ nào là CSS, các loại thẻ (head, body…), với CSS thì xem font style, font size, color, margin-border-padding, text align (left, right hay center) v.v… Mấy cái này đọc hiểu vài lần, test trực tiếp trên sản phẩm là nhớ.
  • Học các kiến thức cơ bản về ngôn ngữ lập trình
    • Thực ra người ta chả quan tâm bạn viết ra sản phẩm bằng ngôn ngữ nào đâu, nhưng theo mình thấy đây là kiến thức hết sức cơ bản, như thể bảng chữ cái ABC vậy, và mình thì là kiểu người “phải học bò rồi mới lo học chạy”, nên mình vẫn học. Học ở đây để biết khái niệm, để hiểu và để hình dung được: giả sử muốn làm web thì viết bằng cái gì, muốn làm app iOS hoặc Android thì viết bằng cái gì v.v…
  • Học các kiến thức cơ bản về đặc thù kỹ thuật của sản phẩm
    • Ví dụ, xây dựng một website thì chỗ nào chỉ cần front-end, chỗ nào cần cả back-end và nếu có thì back-end sẽ làm những công việc gì, đáp ứng tính năng nào v.v… Hoặc với app thì thế nào là app client, thế nào là web server, hoạt động ra sao, dev nào làm phần nào, cần đáp ứng điều gì ở phần công việc đó…
2- Khi đã biết những thứ cơ bản rồi thì bắt đầu học những thứ nâng cao.

Ví dụ với mình thì:

  • Cập nhật các trends về tech
    • Mấy bài viết trên Medium, Invision…, bài nào cũng chứa hàm lượng kiến thức nhiều, đọc một mà biết mười, bởi vừa đọc vừa phải tra cứu, có khi đọc một bài mà hiểu thêm chục thứ liên quan. Bạn sẽ chỉ khó khăn ở những bài đầu tiên thôi. Khi đã đến bài thứ mười, hai mươi, ba mươi, bạn sẽ dần quen thuộc với các thuật ngữ, kiến thức về kỹ thuật có trong bài viết, lúc đấy không phải tra cứu nhiều nữa.
    • Một điều nhỏ mình lưu ý là nên đọc từ nguồn nước ngoài bởi họ update nhanh hơn các nguồn trong nước. Có điều, nhiều trends trên thế giới họ làm cả mấy năm rồi, về Việt Nam mãi sau nó mới nổi. Mình học nhưng cũng cần biết áp dụng thực tế, ví dụ như AI, mình thấy ở bển họ làm nhiều rồi, mà về đề xuất thì tech trong nhà vẫn đang build ở những bước đầu tiên thôi chứ chưa áp dụng được.
    • Tóm lại là hãy đọc, đọc và đọc không ngừng nghỉ. Nó giúp kiến thức bạn đa dạng hơn, rộng hơn rất nhiều. Thêm nữa là nó tạo phản xạ cho mình, giúp mình phản ứng nhanh hơn với các vấn đề về kỹ thuật, từ đó mỗi khi có phát sinh bất ngờ thì sẽ không bị khớp. Khi có yêu cầu gì mới, mình cũng dễ dàng mường tượng ngay được giải pháp hoặc khả năng đáp ứng, liệu có làm được không, nếu làm thì hết chừng bao lâu thời gian, v.v…
  • Học về các nguồn/ tool support cho kỹ thuật
    • Mình không cần học để trở thành master của cái tool đó, chỉ cần biết dân kỹ thuật họ xài nó để làm gì, kết quả cho ra cái gì.
    • Ví dụ, với HTML, mình lân la hỏi về những nguồn để họ tìm các animation, hoặc tool họ dùng để test sau khi cắt xong.
    • Hoặc với dev backend, mình hỏi về các tool để họ test trước khi cho sản phẩm lên trang, tool để xây dựng backend một cách đơn giản mà không cần cắt HTML nhưng vẫn đem lại một UI đẹp và thân thiện với UX tốt v.v…
  • Học từ cách các bạn developer trao đổi
    • Thường thì khi làm sản phẩm, team mình sẽ có một group trên Skype dành cho kỹ thuật để tiện trao đổi công việc (nhất là với các dự án freelance không được ngồi gần nhau). Trong group này, product ít lên tiếng vì tới giai đoạn này chủ yếu kỹ thuật đã dựa trên specs để làm rồi. Thế nên việc của mình lúc này chỉ là im lặng và đọc những gì các bạn developer nói chuyện với nhau.
    • Nói thật là cách này rất đau đầu, khô khan và khó hiểu. Nhiều khi lên Skype thấy có mấy tiếng không check là mấy trăm cái notification rồi, và toàn những ngôn ngữ thoạt nhìn thì thấy như “trên trời”.
    • Tuy nhiên các bạn ơi, hãy chịu khó ghi nhớ, bởi tất cả đều là vàng đấy. Hãy tra cứu những thuật ngữ họ dùng, những chỗ họ cãi nhau (tại sao họ không thích làm cách này mà lại muốn làm cách kia), cách mà họ bàn về việc xây hoặc test một tính năng nào đó của sản phẩm, chỗ nào không biết thì kiếm bạn dev nào thân thân chat riêng để hỏi lại cho kỹ, hiểu lại cho sâu.

Sau 3 tháng như thế, level của bạn sẽ lên rất nhiều. Có điều, bạn sẽ đau đầu lắm và có thể còn nhanh chán nữa. Mình cũng đã từng như vậy. Nhưng hãy nhìn mọi thứ theo hướng tích cực. Việc của các bạn kỹ thuật là xử lý công việc và ngồi code cả ngày đã rất mệt rồi. Việc của mình chỉ là đọc hiểu thôi, không lẽ nào một việc cỏn con như thế này mà lại không làm được, phải không?

Cuối cùng, mình muốn nói rằng, bản thân mình cũng chả tưởng tượng một ngày mình có thể ngồi viết được những dòng này đâu. Thú thật rằng trước đây mình từng sợ lắm. Và cũng không ít lần mình gây ra xung đột với các bạn dev, vì trong quá trình làm sản phẩm, mình đã đưa ra những yêu cầu vô lý mà đội dev không thể nào đáp ứng được.

Cho nên, để đến được ngày hôm nay, mình đã phải trải qua không ít khó khăn, mà khó khăn lớn nhất có lẽ chính là vượt qua sự hoài nghi, lười biếng và nỗi sợ hãi của bản thân. Mình hy vọng, với vài chia sẻ ngắn ngắn phía trên, bạn product nào mà rơi vào hoàn cảnh tương tự như mình thì vẫn có thể lạc quan, tự tin và cố gắng bổ sung những gì còn thiếu để theo đuổi cái nghề cực kỳ thú vị, hấp dẫn này nhé.

Kết bài, để nhẹ nhàng tâm trí hơn, mình tặng các bạn một bức tranh về tình huống xảy ra giữa dev và sales.

Sở dĩ mình add vào đây, là vì làm product mà không chịu khó trau dồi kiến thức để hiểu được khả năng của tech, thì coi chừng cũng có ngày rơi vào tình trạng như các bạn sales dưới này đó… 😀

Xem thêm: Khóa học Product Management – Quản lý sản phẩm cho người mới bắt đầu

1 thought on “Làm sao để phát triển kinh nghiệm về technical?”

  1. Pingback: Product Manager Skillsets (p2) - Phuong Product Website 2022

Comments are closed.

Về khóa học

Khóa học Product Management đào tạo và huấn luyện mọi kỹ năng cần thiết để làm việc trong ngành Product Management – Quản lý & Phát triển sản phẩm công nghệ, là nền tảng giúp bạn tự tin trở thành Product Owner/ Product Manager, ngay cả khi bạn là người mới hoàn toàn.

Thông tin liên hệ

Zalo: 096.558.8971

Email: contact@phuongproduct.com

© 2025 Copyright Phương Product Website
Scroll to Top