The team series – Agile Coach

Facebook
Twitter
LinkedIn
Khóa học Product Management

Bài viết này chia sẻ mọi thông tin về vị trí Agile Coach trong một công ty phát triển sản phẩm công nghệ. Đây là một vị trí mới xuất hiện tại các công ty Việt Nam trong những năm gần đây, thường bị lẫn lộn với vị trí Scrum Master. Cùng Phương tìm hiểu thêm về vị trí này nhé.

MỤC LỤC ĐỌC NHANH

  1. Agile Coach là ai?
  2. Background của Agile Coach
  3. Vị trí của Agile Coach trong công ty công nghệ
  4. Sự khác nhau giữa Agile Coach và Scrum Master
  5. Các chứng chỉ liên quan

I. AGILE COACH LÀ AI?

Vị trí Agile Coach ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam trong những năm gần đây, khi Agile methodology (nguyên lý/ phương pháp luận Agile) đã và đang trở thành “hơi thở mới” của các công ty công nghệ.

Vậy, bạn đã hiểu Agile Coach là ai chưa?

Agile Coach là người huấn luyện về xây dựng tư duy và thực hành nguyên lý Agile trong một công ty phát triển sản phẩm công nghệ/ phần mềm.

Họ là người sẽ xây dựng ra các quy trình làm việc tuân theo nguyên lý Agile, phát triển và tối ưu quy trình này theo thời gian. Sau khi đã có một hệ thống quy trình rõ ràng, họ sẽ giúp đỡ các team thực hành và triển khai công việc theo sát quy trình ấy, dù là thực hành trong một Agile team hay giữa một Agile team với các non-Agile team trong cùng công ty.

Vị trí Agile Coach sẽ cực kỳ cần thiết khi một công ty bước vào giai đoạn chuyển dịch từ mô hình vận hành và phát triển sản phẩm cũ như Waterfall sang mô hình mới theo phương pháp Agile.

Trong giai đoạn này, đây sẽ là người dẫn dắt, huấn luyện và hỗ trợ cho tất cả các team nói chung và mỗi cá nhân nói riêng hiểu và áp dụng đúng nguyên lý Agile vào công việc của mình, qua đó tăng độ hiệu quả và giá trị đầu ra.

Khác với mô hình Waterfall, nguyên lý Agile tập trung vào việc phát triển và cung cấp những kết quả hữu ích trong một khoảng thời gian ngắn và với tần suất thường xuyên.

Do đó, Agile Coach sẽ giúp tất cả các thành viên trong team suy nghĩ, hành động và tạo ra kết quả theo đúng tinh thần Agile: thử nghiệm – học hỏi – rút kinh nghiệm và thích ứng nhanh – sau đó cải tiến để tiếp tục đem lại những giá trị lớn hơn.

II. BACKGROUND CỦA AGILE COACH

product owner product management product manager agile coach

Những Agile Coach mà Phương từng làm việc cùng có những background rất khác nhau, tuy nhiên thường thì sẽ xoay quanh các lĩnh vực như quản lý dự án, quản lý sản phẩm, công nghệ thông tin hoặc phát triển phần mềm.

Họ thường có nhiều kinh nghiệm với nhiều hệ phương pháp luận Agile khác nhau như Scrum, Kanban hay Scaled Agile Framework (SAFe). Từ đó, họ sẽ dựa trên đặc điểm, yêu cầu thực tế của từng dự án để hướng dẫn một team phát triển sản phẩm tìm ra giải pháp hoạt động phù hợp nhất cho mỗi tình huống.

III. VỊ TRÍ AGILE COACH TRONG MỘT CÔNG TY CÔNG NGHỆ

Việc có hay không vị trí của Agile Coach trong một team hoặc một công ty sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính sách và cấu trúc của công ty đó.

Thông thường, một công ty công nghệ quy mô tầm trung có thể chỉ có tầm một tới hai Agile Coach, nhưng nhiều Scrum Master.

Cũng có những công ty chỉ có Scrum Master mà không có Agile Coach. Lúc này, Scrum Master đóng luôn vai trò coaching về agile cho mỗi Scrum team.

IV. SỰ KHÁC NHAU GIỮA AGILE COACH VÀ SCRUM MASTER

Rất nhiều người thường nhầm lẫn hai vị trí này, vì công việc của họ có thể khá tương tự nhau, sử dụng những kỹ thuật giống nhau để hướng dẫn và tạo điều kiện cho các thành viên trong công ty hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất theo tinh thần Agile.

Tuy nhiên, vị trí Agile Coach đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn về phương pháp luận Agile cũng như những kỹ năng mềm khác so với vị trí Scrum Master. Đồng thời, phạm vi công việc của hai vị trí này cũng không giống nhau.

Nếu như Scrum Master thường chịu trách nhiệm về việc thực thi Agile ở mức độ đội nhóm (theo từng Scrum team), thì Agile Coach chịu trách nhiệm thực thi Agile ở mức độ công ty, tổ chức. Agile Coach sẽ làm việc với nhiều đội nhóm khác nhau, đưa ra những hướng dẫn, tư vấn để việc cộng tác giữa tất cả các đội nhóm này đạt được hiệu quả cao nhất.

Agile Coach thường cũng sẽ chỉ đồng hành cùng mỗi nhóm dự án trong những giai đoạn nhất định nhằm thực hiện một mục tiêu nào đó, trong khi Scrum Master sẽ cùng tham gia với nhóm dự án từ khi bắt đầu đến khi kết thúc toàn bộ công việc.

Một ví dụ điển hình là việc tham gia của Agile Coach trong giai đoạn kick-off một dự án mới. Lúc này, Agile Coach sẽ thiết lập quy trình làm việc giữa các team nội bộ với nhau, giữa team nội bộ với các team của đối tác hoặc các team thuộc nhóm outsource, đồng thời đưa ra những tư vấn cần thiết để cả team có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả.

Sau khi đã set up xong mọi thứ, hướng dẫn cho Scrum Master nói riêng và cả team nói chung vận hành theo đúng quy trình, Agile Coach có thể chuyển giao lại dự án cho Scrum Master và nhảy sang các dự án/ team khác để hỗ trợ tiếp những vấn đề khác.

V. CÁC CHỨNG CHỈ DÀNH CHO AGILE COACH

Dưới đây là một vài chứng chỉ bạn có thể tham khảo để bắt đầu học về Agile cũng như chuẩn bị cho lộ trình trở thành một Agile Coach.

Những chứng chỉ được mình liệt kê ở đây cũng có thể là một trong các yêu cầu mà bạn có thể thấy trong các JD (job description) cho vị trí công việc này.

  • PMI-Agile Certified Practitioner (PMI-ACP)

Chứng chỉ từ SAFe:

  • SAFe Practitioner (SP)
  • SAFe Practitioner Consultant (SPC)
  • SAFe Program Consultant Trainer (SPCT)

Chứng chỉ từ ICAgile:

  • ICAgile Certified Professional in Agile Coaching Certification (ICP-ACC)
  • ICAgile Certified Professional in Team Facilitation (ICP-ATF)
  • ICAgile Certified Expert in Agile Coaching Certification (ICE-AC)
  • ICAgile Certified Professional Coaching Agile Transitions (ICP-CAT)
  • ICAgile Certified Professional Agility in the Enterprise (ICP-ENT)
  • ICAgile Certified Expert In Enterprise Coaching (ICE-EC)

ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT TRONG ‘THE TEAM SERIES’

‘The Team Series’ là chuỗi bài viết về tất cả các vị trí liên quan đến việc xây dựng và phát triển một sản phẩm công nghệ.

Xem thêm: Khóa học Product Management – Quản lý sản phẩm cho người mới bắt đầu

Về khóa học

Khóa học Product Management đào tạo và huấn luyện mọi kỹ năng cần thiết để làm việc trong ngành Product Management – Quản lý & Phát triển sản phẩm công nghệ, là nền tảng giúp bạn tự tin trở thành Product Owner/ Product Manager, ngay cả khi bạn là người mới hoàn toàn.

Thông tin liên hệ

Zalo: 096.558.8971

Email: contact@phuongproduct.com

© 2024 Copyright Phương Product Website
Scroll to Top