Hổm rày có chút việc, đụng chạm tới cái Product Principles. Về khía cạnh này, mình từng tìm hiểu ngay từ khi mới bước chân vào nghề. Khi ấy kinh nghiệm như trang giấy trắng, mình học và đọc về nó với tâm niệm của một người đang tập viết những chữ cái ABC đầu tiên.
Ngẫm lại thời kỳ đó cho tới cả bây giờ, mình nhận ra ít tài liệu nào ở Việt Nam viết về Product Principles. Không chỉ tài liệu, mà case study thực tế cũng không có ghi chép nào.
Thực ra, Product Principles là thứ tiên quyết mà người làm sản phẩm cần xác định rõ ràng trước khi bắt tay vào build sản phẩm cho một dự án. Product Principles là tập hợp các quy tắc mà một Product Manager có thể sử dụng để đưa ra các quyết định về sản phẩm, bao gồm các việc liên quan đến phát triển tính năng, hay thay đổi UX/UI. Product Principles vừa miêu tả bản chất của sản phẩm, vừa phản ánh niềm tin và giá trị của công ty, thương hiệu sở hữu sản phẩm đó cũng như giá trị và tầm nhìn của toàn bộ đội ngũ làm ra nó.
Ở mức độ khái quát, Product Principles không phải những nguyên tắc chung chung mà ta hay liệt kê khi nói về việc làm thế nào để build lên những sản phẩm tốt, ví dụ như usability (tính khả dụng), learnability (tính khám phá, học hỏi), hay performance (hiệu suất sản phẩm)… Product Principles thường sẽ có những đặc điểm chung như sau:
- Đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ: để bất kỳ thành viên nào trong team cũng có thể thuộc nằm lòng. Thường thì 3-5 gạch đầu dòng là đủ, thậm chí ít hơn thì càng tốt.
- Cụ thể đủ để đo lường được. Tuy nhiên, nó không phải là KPI, dạng như plan cho tháng X, quý Y là gì và đạt chỉ tiêu là bao nhiêu v.v… Nó sẽ miêu tả build sản phẩm như thế nào (HOW), chứ không phải build cái gì (WHAT).
- Mỗi khi cần ra quyết định, có thể dựa vào Product Principles mà đưa ra những kết luận/ phán đoán nhanh chóng
- Truyền cảm hứng cho toàn bộ team để cùng hướng tới một mục tiêu chung và cho ra các kết quả tốt hơn
- Loại bỏ được các kết quả nửa vời, các vấn đề “làm chưa tới”
- Là lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm của đối thủ (tương tự như core value, unique selling point vậy)
Product Principles có thể được update theo thời gian, khi sản phẩm có những đặc điểm không còn phù hợp với một yếu tố nào đó quan trọng từ thị trường hoặc người dùng mục tiêu nữa.
Các sản phẩm nổi tiếng và quen thuộc trên thế giới đều có Product Principles của mình. Các nhà phát triển sản phẩm của Google, Facebook, Airbnb, Instagram v.v… còn publish bài viết về Product Principles của các sản phẩm này cũng như việc họ đã áp dụng nó để build sản phẩm như thế nào.
—
Một ví dụ cụ thể từ bài chia sẻ của Nir Gazit trên mindtheproduct, về sản phẩm pay.com:
Product Principles của pay.com (Mình xin giữ nguyên bản gốc)
- We are not a bank. We disrupt banking
- Sense of security and privacy is key
- Merchants are the gateway to customers, so our products must “wow” the merchant
Tình huống thực tế pay.com cần xử lý: Xây dựng cách hiển thị mã CVC của thẻ tín dụng.
Lúc này họ có 2 lựa chọn:
- Không show mã CVC trên thẻ. Để xem mã, user cần click vào nút Reveal CVC, mã sẽ được hiển thị trong một pop up mới trên màn hình.
- Cho mã CVC hiển thị luôn tại mặt trước của thẻ – người dùng xem được ngay mà không cần thêm một thao tác click button
Nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. Với các dữ kiện đã cho, nếu là bạn, bạn chọn cách hiển thị nào?
Những người làm sản phẩm của pay.com đã quay về với Product Principles và họ đã đặt ra ngay từ đầu, và đáp án trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: sense of security and privacy is the key. Như vậy, option 1 hiển nhiên chính là lựa chọn cuối cùng – lựa chọn mà họ nên đi theo để đảm bảo Product Principles của chính mình.
—
Quay lại với thị trường Việt Nam, có lẽ nghề product còn quá mới mẻ tại thời điểm này, nên mỗi công ty/ mỗi team product mình từng làm việc qua lại có một kiểu xây dựng Product Principles khác nhau. Và trên thực tế, thuật ngữ “Product Principles” còn không được gọi tên hay sử dụng trực tiếp, mà sẽ được thể hiện dưới những term khác. Mình sẽ có bài viết chi tiết hơn về topic này ở dịp sau.