Bài viết này chia sẻ tất tần tật về vị trí Product Owner trong một team phát triển sản phẩm, bao gồm tên gọi trong các công ty công nghệ, phạm vi công việc, vai trò trách nhiệm, công việc hàng ngày của một Product Owner v.v…
MỤC LỤC ĐỌC NHANH
—
I. CHỨC DANH CỦA PRODUCT OWNER
Trong bài viết chia sẻ chung về nghề Product Owner và top 5 lí do Product Owner là một nghề HOT, mình có nói sơ qua về tên gọi của Product Owner trong một công ty sản phẩm.
Theo đó:
Product Owner là chức danh chỉ chủ sở hữu sản phẩm trong một team phát triển phần mềm hoạt động theo Scrum framework.
Một Scrum Team chuẩn bao gồm 03 thành phần: Product Owner – Development Team – Scrum Master.
Trước đây, các công ty sản phẩm chủ yếu vẫn hoạt động theo mô hình Waterfall, trong đó, cả team cùng hướng tới mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh một tính năng/ sản phẩm/ dự án với quy mô lớn, đặt mục tiêu cho việc ‘deliver’ – bàn giao toàn bộ dự án với một mốc thời gian nhất định có khi kéo dài tới nhiều tháng hoặc cả năm trời.
Sau này, việc chuyển dịch từ mô hình Waterfall sang mô hình Agile với mục tiêu phát triển từng cụm tính năng và tiến hành ‘deliver’ liên tục, hoàn thiện sản phẩm theo từng giai đoạn phát triển đã diễn ra ở rất nhiều công ty công nghệ. Khi đa số các công ty đều xây dựng sản phẩm theo mô hình Agile và áp dụng Scrum là một framework trong phát triển sản phẩm, tên gọi Product Owner từ đó ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy vậy, nhiều công ty thay vì dùng đúng tên gọi Product Owner để chỉ chủ sở hữu sản phẩm trong một Scrum team, thì vẫn dùng các chức danh khác có ý nghĩa và vai trò tương đương. Mục đích chính của việc này thường là để làm rõ hơn về cấu trúc cấp bậc của những người sở hữu và quản lý sản phẩm trong hệ thống cấp bậc của công ty.
Các tên gọi khác của Product Owner, theo từng cấp bậc trong một career roadmap của người làm nghề quản lý sản phẩm:
- Product Intern/ Product Trainee/ Junior Product Executive
- Product Specialist/ Product Executive/ Senior Product Executive
- Associate Product Lead/ Product Lead
- Associate Product Manager/ Product Manager
- Associate Product Director/ Product Director/ Head of Product
- v.v…
II. PRODUCT OWNER LÀ AI?
Có rất nhiều định nghĩa về việc Product Owner là ai và đóng vai trò gì trong team. Tuy nhiên, thực tế thì, không có một quy định hay tiêu chuẩn chung nào có thể áp dụng 100% cho tất cả các vị trí Product Owner trên thị trường.
Với mỗi công ty hay tổ chức, tùy thuộc vào quy mô công ty, quy mô team phát triển sản phẩm, khả năng của từng team hay đơn giản là yêu cầu về trách nhiệm của một Product Owner mà công ty đó đòi hỏi, việc miêu tả một Product Owner là ai và làm gì có thể thay đổi đáng kể.
Dưới góc độ khái niệm, bạn có thể hiểu:
Product Owner là người chịu trách nhiệm về chiến lược phát triển sản phẩm và triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm đó, nhằm giải quyết việc đáp ứng những nhu cầu của người dùng và thông qua đó hoàn thành các mục tiêu kinh doanh của công ty.
Đọc thêm bài viết: Top 5 lý do Product Owner là nghề cực HOT
Xem thêm: Khóa học Product Management – Quản lý sản phẩm cho người mới bắt đầu
III. TRÁCH NHIỆM CÔNG VIỆC CỦA PRODUCT OWNER
Tùy thuộc vào mỗi công ty, Product Owner sẽ được yêu cầu để thực hiện một số hoặc tất cả các công việc như phía dưới. Trong đó, mục (1), (2), (3), (7), (8) thường sẽ dành cho các vị trí senior hơn, trong khi mục (4), (5), (6) thường sẽ dành cho các vị trí junior hơn.
1- Nghiên cứu nhu cầu người dùng
Việc này nhằm xác định được vấn đề của người dùng là gì và họ có những nhu cầu gì cần được đáp ứng. Chỉ có thể, ta mới có thể biết được cần phát triển và xây dựng sản phẩm gì hay tính năng nào để giải quyết những nhu cầu đó.
Đây cũng chính là một phần rất quan trọng trong công việc của người làm sản phẩm: nghiên cứu vấn đề của người dùng để đưa ra quyết định ‘make the right things’ trước khi ‘make the things right’.
2- Phân tích thị trường & nghiên cứu đối thủ cạnh tranh
Tùy thuộc vào quy mô của từng công ty cũng như quy mô của team phát triển sản phẩm mà công việc này có thể được thực hiện bởi Product Owner hay không.
Với những công ty lớn, Product Owner đóng vai trò là người định hướng những yếu tố cần xét tới khi làm nghiên cứu thị trường và nghiên cứu đối thủ, từ đó cho ra một danh sách các đầu mục nghiên cứu cũng như những đối thủ được đưa vào phân tích.
Sau đó, phần triển khai nghiên cứu có thể do các team như Research, hoặc Customer Insight thực hiện (tên gọi này là khác nhau ở mỗi công ty). Các kết quả nghiên cứu sẽ được thu thập và đem ra thảo luận lại cùng Product Owner.
Với những công ty quy mô nhỏ, Product Owner có thể cần tự làm luôn cả công việc này, bao gồm cả việc lên phạm vi nghiên cứu và tiến hành các công việc cần thiết để thực hiện nghiên cứu.
3- Phân tích các nhu cầu kinh doanh và mục tiêu của công ty
Mục tiêu cuối cùng của mỗi công ty hay sản phẩm vẫn là có thể tạo ra giá trị lợi nhuận thông qua việc cung cấp giá trị cho người dùng.
Với tính chất đó, bên cạnh việc giải quyết user’s needs, sản phẩm cần phải giải quyết cả business targets – những mục tiêu về kinh doanh nữa. Product Owner cần nắm vững những thông tin này để thiết kế sản phẩm có khả năng cân bằng giữa cả hai mục tiêu này.
4- Biến các yêu cầu đầu vào dưới góc độ user và business thành yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm
Bao gồm việc vẽ các wireframe, follow với design, dev team
Từ các yêu cầu đầu vào nhìn từ góc độ nhu cầu người dùng và mục tiêu kinh doanh, Product Owner cần biến nó trở thành những yêu cầu kỹ thuật (Product Specifications) về việc xây dựng tính năng gì, hoạt động như thế nào.
Quá trình này bao gồm việc vẽ các wireframe, xây dựng user working flow, đưa ra các yêu cầu thiết kế cho team Product Design, diễn giải các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm để team Technical (hay Developers) có thể hiểu được và lập trình để sản phẩm hoạt động đúng theo miêu tả.
5- Quản lý, sắp xếp các nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển sản phẩm theo trình tự tối ưu và phù hợp nhất
Product Owner sẽ chia nhỏ việc phát triển một tính năng hay sản phẩm thành nhiều công việc nhỏ hơn để Technical team thực hiện. Trong Scrum framework, các ‘công việc’ này sẽ được thể hiện dưới dạng các User Story, nằm trong một danh sách chờ gọi là ‘Product Backlog’.
Product Owner cần có các phương pháp xác định thứ tự ưu tiên trong ‘Product backlog’ để quyết định xem những công việc nào sẽ được ưu tiên làm trước, các công việc nào phải được hoàn thiện cùng lúc hoặc được release (đưa tới user để sử dụng) đồng thời. Một thứ tự hợp lý sẽ không chỉ tiết kiệm công sức làm việc của Development Team mà còn rút ngắn được thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường.
6- Hỗ trợ Development Team trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và ra mắt sản phẩm với người dùng
Việc lên một bản yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm (Product Specification Document) là chưa đủ. Trong quá trình Development Team thực hiện việc lập trình và kiểm thử sản phẩm, Product Owner sẽ hỗ trợ để trả lời thêm nhiều câu hỏi khác phát sinh trong quá trình phát triển, bao gồm nhưng không giới hạn các vấn đề về tương tác người dùng, quy luật hiển thị hay logic trả dữ liệu, v.v…
Product Owner cũng sẽ tham gia kiểm thử sản phẩm trên các môi trường thử nghiệm trước khi chính thức quyết định đưa sản phẩm tới với end-user trên môi trường thực.
7- Lên kế hoạch đo lường và đánh giá sức khỏe của sản phẩm
If you can’t measure it, you can’t improve it.
Đây là thứ mà có lẽ người làm sản phẩm nào cũng cần ghi nhớ.
Do đó, Product Owner cần làm các việc:
- Xây dựng một hệ thống các tiêu chí đánh giá mức độ thành công của sản phẩm (success metrics)
- Định nghĩa các mức cần đạt được cho mỗi metric là bao nhiêu, với con số mục tiêu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như chiến lược sản phẩm, chiến lược kinh doanh hay kế hoạch phát triển của công ty trong từng giai đoạn khác nhau v.v…
- Gửi các yêu cầu tracking tới development team để thực hiện gắn tracking
- Lấy data để xây dựng các dashboard hoặc tạo trực tiếp các dashboard trên các công cụ đo lường như Google Analytics, Olap, Firebase v.v…
- Theo dõi các chỉ số để đánh giá hiệu suất của sản phẩm và phát hiện các vấn đề cần cải thiện
8- Xây dựng kế hoạch tối ưu và cải tiến sản phẩm khi cần thiết
Sau khi đã xây dựng xong và đưa sản phẩm ra thị trường, công việc của Product Owner chuyển sang đánh giá và đưa ra những cải tiến cần thiết.
Cụ thể, Product Owner lúc này cần:
- Theo dõi các số liệu (như đã viết ở mục 7) và tìm ra các vấn đề cần quan tâm. Đó có thể là tỷ lệ drop (ngừng giữa chừng) của user trong một flow sử dụng, tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) v.v…
- Thực hiện các bài kiểm tra hoặc khảo sát để ghi nhận phản hồi của người dùng về tính năng (thực tế thì việc này diễn ra trong suốt quá trình phát triển sản phẩm chứ không chỉ sau khi đã đưa sản phẩm ra thị trường)
- Thực hiện sửa lỗi với các vấn đề được tìm thấy (bug do lỗi kỹ thuật hoặc issue do thiếu use case v.v…)
- Xây dựng kế hoạch cải tiến sản phẩm để tối ưu chất lượng sản phẩm (product improvement/ optimization) với những tính năng mới hoặc đơn giản là tối ưu tính năng cũ hiện có
Tóm lại, công việc của Product Owner sẽ là một chu trình khép kín trong vòng tuần hoàn của việc nghiên cứu – xây dựng – bàn giao – đo lường – cải tiến – rồi lại tiếp tục xây dựng… trong suốt vòng đời của một sản phẩm.
—
KẾT
Như bạn có thể thấy, Product Owner đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp một công ty đưa sản phẩm ra thị trường thành công.
Là một Product Owner, bạn có thể gia tăng giá trị cho công ty thông qua việc xây dựng một kế hoạch phát triển sản phẩm rõ ràng, xác định được đúng thứ cần làm theo một thứ tự ưu tiên hợp lý, hỗ trợ các thành viên kịp thời để từ đó có thể liên tục đưa những giá trị hữu ích đến cho người dùng.
Hy vọng bài viết của Phương đã giúp bạn hiểu hơn về vai trò của Product Owner trong một team phát triển sản phẩm. Phương mong một ngày có cơ hội làm việc cùng bạn.
Đừng quên like, share bài viết nếu bạn thấy nó hữu ích nhé.
—
ĐỌC THÊM CÁC BÀI VIẾT TRONG ‘THE TEAM SERIES’
‘The Team Series’ là chuỗi bài viết về tất cả các vị trí liên quan đến việc xây dựng và phát triển một sản phẩm công nghệ.
- The team series – Developer
- The team series – Product Designer
- The team series – Quality Control (QC)
- The team series – Scrum Master
- The team series – UX Writer
- The team series – UX Researcher
- The team series – Agile Coach
Xem thêm: Khóa học Product Management – Quản lý sản phẩm cho người mới bắt đầu
14 thoughts on “The team series – Product Owner”
Pingback: UX Researcher - Phuong Product Website 2022
Pingback: The team series – UX Writer - Phuong Product Website
Pingback: The team series - Agile Coach - Phuong Product Website
Pingback: The team series - Scrum Master - Phuong Product Website
Pingback: The team series - Quality Control (QC) - Phuong Product Website
Pingback: The team series - Developer - Phuong Product Website
Pingback: The team series - Product Designer - Phuong Product Website
Pingback: The team series - Developer - Phuong Product Website 2022
Pingback: Top 5 lý do Product Owner là nghề cực HOT - 2022
Pingback: Hành trình trở thành Product Manager từ con số 0 - Phuong Product Website 2022
Pingback: Học gì để trở thành Product Owner? - Phuong Product Website 2022
Pingback: Product Manager Skillsets (p1) - Phuong Product Website 2022
Pingback: Product Manager Skillsets (p2) - Phuong Product Website 2022
Pingback: Scrum Master - Phuong Product Website 2022
Comments are closed.