Có phải tất cả các Product Owner làm việc và xây dựng sản phẩm công nghệ đều là sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan đến lập trình nói riêng và công nghệ thông tin nói chung?
Trong bài viết này, Phương sẽ chia sẻ về background thường gặp của nhiều Product Owner/ Product Manager trên thị trường Việt Nam và quốc tế, giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về việc học ngành gì để trở thành Product Owner nhé.
MỤC LỤC ĐỌC NHANH
- Yêu cầu tuyển dụng bắt buộc có ‘technical background’?
- Tiêu chí tìm kiếm của các công ty product
- Background của các Product Owner/ Product Manager tại top technical-company
- Lời kết
—
I. SỰ THẬT VỀ YÊU CẦU PRODUCT OWNER ‘PHẢI CÓ TECHNICAL BACKGROUND’
Khi đọc JD (job description/ bản miêu tả công việc) cho vị trí Product Owner/ Product Manager, bạn có thể bắt gặp những dòng như thế này:
A candidate must have a bachelor’s or Master’s degree in a related field, such as computer science, information technology, information system, software engineering, or a related discipline…
Bạn có thể thấy:
- Computer science: khoa học máy tính,
- Information technology: công nghệ thông tin,
- Information system: hệ thống thông tin,
- Software engineering: kỹ thuật phần mềm
- v.v…
đều là những ngành học liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung.
Tuy vậy, theo xu hướng tuyển dụng hiện tại của nghề Product Owner trong nhiều năm gần đây:
việc yêu cầu tốt nghiệp những chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ không phải là yêu cầu bắt buộc, mà chỉ là một điểm cộng cho người ứng tuyển.
Yêu cầu về ngành học như trên sẽ là bắt buộc nếu bạn ứng tuyển vào các vị trí liên quan đến lập trình. Còn với vị trí Product Owner/ Product Manager, khi thị trường ngày càng nở rộ những công ty công nghệ hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thì yêu cầu về ngành học của ứng viên cũng chuyển dịch dần theo thời gian.
Các công ty bắt đầu thêm vào danh sách ’related discipline’ nói trên những ngành học phong phú khác, như: Business, Law, Education, Marketing hay thậm chí là bằng MBA nữa.
Tuy vậy, trên thị trường vẫn có thể có những trường hợp hiếm gặp, nhưng vẫn tồn tại: một công ty thiếu nhân sự đảm nhận vai trò Tech Lead sẽ có thể yêu cầu một Product Owner/ Product Manager bắt buộc phải có technical background. Trong những tình huống này, người Product Owner/ Product Manager thường được yêu cầu kiêm luôn vai trò của Tech Lead và phải tự quyết định các vấn đề liên quan đến technical, đưa ra giải pháp về mặt technical cho đội developers nếu cần.
Với những trường hợp này, mình chỉ đơn giản là sẽ không apply vì đó không phải vị trí mà mình tìm kiếm. Dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, một đội phát triển sản phẩm lành mạnh cần một technical team có khả năng tự chủ, có thể có hoặc không có Tech Lead, nhưng tech team sẽ không phải dựa vào Product Owner/ Product Manager để quyết định các vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
Chuyên môn của Product Owner/ Product Manager nằm ở rất nhiều việc khác, trừ việc đó.
II. ĐIỀU MÀ CÁC CÔNG TY THỰC SỰ TÌM KIẾM Ở MỘT PRODUCT OWNER
Bản thân từng đứng ở cả vị trí của người tham gia phỏng vấn lẫn người đi tuyển dụng nhân sự, mình đã đọc qua rất nhiều JD của vị trí Product Owner và Product Manager. Mình cũng từng nói chuyện nhiều với các anh chị Head of Product/ Product Director hay HRBP để thảo luận về các yêu cầu tuyển dụng khi lên JD cho các vị trí này.
Tựu trung thì, có một vài điểm mà mình từng hiểu nhầm cách đây 10 năm khi mới vào nghề, nhưng mình đã tìm ra câu trả lời trong suốt quá trình đi ứng tuyển và đi tuyển dụng nói trên.
2.1. Yêu cầu về chuyên môn học thuật (ngành học)
Nhà tuyển dụng thường không bắt buộc ứng viên phải xuất thân từ ngành công nghệ thông tin, mà có thể từ các ngành liên quan như mình đã viết ở mục 1.
2.2. Yêu cầu về domain knowledge
Ứng viên có thể không học chuyên ngành liên quan đến công nghệ thông tin ở trường đại học, hay có xuất phát điểm là một lập trình viên trước khi trở thành Product Owner hay Product Manager. Tuy nhiên, ứng viên cần có kiến thức về ngành nghề/ ngách kinh doanh mà sản phẩm đang hoạt động – thuật ngữ chuyên môn gọi là domain knowledge.
Ví dụ: tuyển Product Owner cho một công ty TMĐT thì sẽ ưu tiên các ứng viên học về e-Commerce/ Business v.v… hoặc có kinh nghiệm liên quan đến TMĐT trước đó.
2.3. Bộ tiêu chuẩn chung ở mọi JD?
Không có tiêu chuẩn chung nào cả.
Tiêu chuẩn yêu cầu đầu vào có thể có một checklist chung, nhưng các JD không bao giờ giống nhau 100% khi mà mỗi sản phẩm của mỗi công ty lại mang những đặc điểm rất riêng biệt, hoạt động trong những lĩnh vực riêng biệt.
2.4. Soft-skills
Kỹ năng chuyên môn – thường được gọi là hard skills, là yêu cầu bắt buộc cần có với một Product Owner/ Product Manager. Nhưng kỹ năng mềm – soft skills, cũng là một thứ được đòi hỏi rất cao cho vị trí này.
Những kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định, làm việc nhóm, hay truyền cảm hứng và dẫn dắt các thành viên trong team v.v… là những thứ mà nhà tuyển dụng cực kỳ cân nhắc khi tìm kiếm ứng viên, bởi vị trí này đòi hỏi khả năng làm việc độc lập cực cao và cần có kỹ năng mềm linh hoạt để có thể xử lý công việc một cách tốt nhất.
2.5. Yếu tố culture-fit
Với một vài công ty, nhà tuyển dụng còn cân nhắc cả yếu tố ’culture fit’ – xét xem tính cách của ứng viên có phù hợp với văn hóa, môi trường của công ty không.
Khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ có thể phân tích điều này thông qua phong thái, cách ứng xử của ứng viên, câu trả lời của ứng viên đối với các câu hỏi đánh giá culture-fit, hoặc qua cách ứng viên giải quyết những case-study thực tế mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Xem thêm: Khóa học Product Management – Quản lý sản phẩm cho người mới bắt đầu
III. BACKGROUND CỦA CÁC PRODUCT OWNER/ PRODUCT MANAGER TRÊN THỊ TRƯỜNG
Khi nghiên cứu về background của các vị trí Product Owner/ Product Manager thuộc các công ty công nghệ lớn trên thế giới, mình nhận thấy rằng background của họ rất phong phú.
Phía dưới là một vài ví dụ:
Điều này cũng tương tự ở thị trường Việt Nam: nhân sự làm việc trong lĩnh vực product management có thể xuất thân từ các lĩnh vực học thuật khác nhau, cũng như từng có kinh nghiệm ở nhiều mảng chuyên môn rất đa dạng, từ Marketing tới Business, Economics, e-Commerce, Game, Design v.v…
Số anh chị em trong nghề mà mình quen biết thuộc nhóm ‘non-technical background’ PM (Product Manager không có background về technical) là nhiều không kể hết. Họ vẫn rất giỏi và rất thành công trong vị trí của mình, dù không có xuất phát điểm là một người học công nghệ thông tin truyền thống.
Bản thân mình cũng là người đi trái ngành: học Kinh tế Đối ngoại, ra làm Marketing, rồi sau đó chuyển hướng sang làm Product Owner và tiếp tục phát triển lên thành Product Manager.
Vì vậy, việc không học chuyên ngành liên quan đến công nghệ thông tin hay đơn giản hơn là… không biết lập trình, sẽ không phải là một điểm yếu hay cản trở lớn khi bạn muốn trở thành một Product Owner/ Product Manager.
IV. LỜI KẾT
Với những thông tin như trên, mình tin là bạn đã có bức tranh rõ nét hơn về chân dung những Product Owner/ Product Manager thực sự đang làm việc trên thị trường phát triển sản phẩm công nghệ.
Với những bạn đang không theo học chuyên ngành liên quan đến công nghệ thông tin, hoặc các bạn đang làm nghề khác nhưng có nhu cầu chuyển hướng sang ngành product management, mình hy vọng bài viết này cho bạn cái nhìn rõ nét hơn về việc ‘học gì để trở thành Product Owner/ Product Manager’.
Câu trả lời là: bạn sẽ phải học rất nhiều thứ, và technology có thể là một phần trong số đó. Nhưng ’technology’ chưa và sẽ không bao giờ là rào cản của các bạn đến với nghề này, nên các bạn cũng đừng quá lo lắng, bởi nghề Product Owner/ Product Manager đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức hơn là chỉ mình hiểu biết về technology bạn ạ. Mình cũng đã từng rất tự ti và sợ rằng mình không thể làm Product Owner/ Product Manager cho một sản phẩm công nghệ nếu mình không học về lập trình, không biết code, vân vân và vân vân. Đó là những niềm tin hạn hẹp mà mình từng giữ, và giờ thì mọi thứ đã khác nhiều lắm.
Chúc bạn vững tin, và đừng ngại thử sức nếu bạn hứng thú với nghề này. Hy vọng một ngày có thể được làm việc cùng bạn!
Đừng quên like và share nếu bạn thấy bài viết này hữu ích nhé.
—
Xem thêm: Khóa học Product Management – Quản lý sản phẩm cho người mới bắt đầu
3 thoughts on “Học gì để trở thành Product Owner?”
Pingback: Hành trình trở thành Product Manager từ con số 0 - Phuong Product Website 2022
Pingback: Product Manager Skillsets (p2) - Phuong Product Website 2022
Pingback: Product Manager Skillsets (p1) - Phuong Product Website 2022
Comments are closed.