Cách đây 2 năm, khi được phỏng vấn vào FPT Online, thực ra mình chọn vị trí thuộc team Digital Marketing chứ không phải team Product.
Với cái gốc từ thời chỉ là một Assistant Marketing Executive chưa có nhiều kinh nghiệm tại VNG, cho tới khi giữ vị trí Senior tại Link Circle, mình muốn tiếp tục bám vào đó và chọn Digital Marketing để phát triển sự nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều trao đổi về công việc với line manager phỏng vấn mình lúc đó, cuối cùng mình chọn Product, vừa bởi miêu tả công việc khá hay và thú vị, vừa bởi muốn thử nghiệm cái mới, vừa bởi lời hứa của anh line manager: “Anh thấy em hợp team Product hơn, cứ làm thử đi, không ổn thì… chuyển qua Marketing cũng được.”
Ấy thế mà cũng gắn bó luôn với nghề Product được gần 2 năm rồi. Có câu “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”, mình thấy cũng đúng. Càng làm, mình càng nhận ra đây là mảng công việc thú vị và có nhiều thứ rất hay mà mình muốn học, muốn hiểu, muốn biết nhiều hơn nữa.
Vậy chính xác thì công việc của một người làm Product, cụ thể là một Product Owner tại Fpt Online là gì?
Do đặc thù team Product thuộc phòng Business Development, các dự án mà team mình thực hiện có thể được chia ra làm hai loại:
Nhóm 1 – Business Development Project: là những dự án thiên về hỗ trợ và phát triển kinh doanh dựa trên các sản phẩm có sẵn.
Các dự án này thường là hỗ trợ team kinh doanh để chạy các gói quảng cáo, truyền thông cho khách hàng. Nôm na thì lúc này đội Product Development giống như một agency thu nhỏ: take brief về nhu cầu của khách hàng từ sale, sau đó xây dựng các gói offer phù hợp. Tùy theo yêu cầu, sau đó sẽ thực hiện toàn phần hoặc từng phần của quá trình: từ lên ý tưởng đến làm proposal, hỗ trợ triển khai hay trực tiếp thực thi, cứ thế cho tới khi kết thúc chiến dịch.
Thường thì những campaign đơn giản như đi tin PR, chạy banner, đội sale sẽ tự xử lý. Tuy nhiên, những campaign kiểu event, chạy trên nhiều kênh, sử dụng nhiều sản phẩm quảng cáo khác nhau, từ online đến offline, từ báo nhà đến các kênh social khác, và đặc biệt là cần nguồn cung về mặt ý tưởng, đội của mình sẽ có người theo sát để hỗ trợ.
Cũng có khi, dự án chỉ dừng ở bước hoàn thành proposal, sau đấy thì khách hàng không đồng ý làm, hoặc tệ hơn là lấy cùng ý tưởng đó biến thiên đi một chút rồi quay sang làm với các agency khác. Điều này có lẽ cũng chẳng xa lạ gì với các agency thực ở ngoài kia, đó cũng là lý do nhiều agency luôn ký NDA dù dự án chỉ mới ở khâu trình bày ý tưởng ban đầu.
Nhóm 2 – Product Development Project: là những dự án tạo ra sản phẩm mới hoặc nâng cấp sản phẩm cũ – với sự giao thoa đầy đủ giữa TECH, DESIGN, BUSINESS TARGET, USER NEEDS v.v…
Những dự án loại này luôn là những dự án hấp dẫn. Tại sao?
Thứ nhất: Sự đa dạng. Không giống những dự án thuộc nhóm 1 – với tính chất duy nhất là dự án truyền thông cho khách hàng, những dự án nhóm 2 có tính chất và mục tiêu đa dạng hơn nhiều: xây dựng website thương mại điện tử kết hợp giữa báo và bên thứ ba để bán hàng, xây dựng website giới thiệu hệ sản phẩm của công ty, hay nâng cấp version mới cho một vertical để đưa vào kinh doanh v.v…
Theo đó, mỗi dự án là một bài toán khác nhau, vì thế để tìm lời giải là cả một quá trình brainstorm, discuss, implement, review với nhiều cuộc họp triền miên rất mệt. Tuy nhiên, bởi sự đa dạng nói trên, mỗi dự án sẽ có một Product Requirements và Business Requirements khác nhau. Sẽ có dự án xây dựng ra để tạo nguồn thu mới, có dự án khai thác để phát triển nguồn thu đang có, có dự án chỉ đơn giản là tạo ra một sản phẩm nhằm mục đích xây dựng nhận diện thương hiệu (Brand Identity). Vì thế, mỗi khi một dự án bắt đầu, một cuộc chơi mới cũng bắt đầu theo.
Thứ hai: độ “sâu” của dự án. Chính xác thì, với những dự án này, mình sẽ cần theo sát tất cả các khâu, từ Strategy với việc phân tích nhu cầu, đưa ra Product Objectives và Project Objectives, đến Implement với các giai đoạn làm việc cùng đội Design, HTML, Dev, QA & QC, v.v… Nói chung, là đi từ trừu tượng tới trực quan, là từ khi đứa con tinh thần bắt đầu có những hình hài đầu tiên dưới dạng ý tưởng, cho đến khi nó trở thành thứ sản phẩm hữu hình đem ra sử dụng được.
Những dự án như thế này, tự bản thân nó có một vẻ đẹp riêng và cảm giác khi làm thì rất tuyệt. Sẽ phải giải quyết nhiều bài toán, đáp ứng nhiều mục tiêu, xử lý nhiều vấn đề từ to đến nhỏ, nhưng chính những dự án như thế này cũng khiến mình có nhiều trải nghiệm hơn trong nghề Product, từ đó tạo đà để tìm hiểu và học hỏi, áp dụng cho chính bản thân và rút ra kinh nghiệm.
Mỗi dự án đều là môt bài học quý giá
Với mỗi công ty khác nhau, công việc của một Product cũng sẽ khác nhau. Thực ra, đa phần bạn bè, anh em Product mà mình quen biết đều làm việc trong nhóm số 2. Với riêng mình, cơ hội làm việc trong những dự án thuộc cả dạng số 1 và số 2 mà mình nói trên đều đem lại những kinh nghiệm đa dạng và quý giá.
Tuy nhiên, ở blog này, các bài viết của mình về sau sẽ đa phần chỉ tập trung vào chia sẻ xoay quanh nhóm số 2. Một phần bởi đó cũng là nhóm mình thích hơn, một phần cũng bởi đó là một phần dự định tương lai của mình sau này và là con đường chính mà mình muốn theo đuổi, muốn thử áp dụng “nguyên tắc 10.000 giờ” cho nó.
I know it’s hard. But i’m so excited with it!
Xem thêm: Khóa học Product Management – Quản lý sản phẩm cho người mới bắt đầu